Chứng khoán Mỹ đầu năm 2023 giảm

Một nhà giao dịch cổ phiếu trên sàn NYSE ở New York ngày 3/1 - Ảnh: NYSE.
Một nhà giao dịch cổ phiếu trên sàn NYSE ở New York ngày 3/1 – Ảnh: NYSE.

Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch đầu tiên của năm mới 2023 vào ngày thứ Ba (3/1), khi nỗi lo về lãi suất tăng, lạm phát cao và suy thoái kinh tế tiếp tục phủ bóng lên tâm trí nhà đầu tư. Giá dầu thô “bốc hơi” 4%, đánh dấu phiên giảm mạnh nhất trong hàng tháng trở lại đây.

Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones giảm 0,03%, còn 33.136,37 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,4%, còn 3.824,14 điểm. Chỉ số Nasdaq trượt 0,76%, còn 10.386,99 điểm.

Là một trong những cổ phiếu gây áp lực giảm mạnh nhất lên các chỉ số trong phiên này, Tesla sụt hơn 12% sau khi hãng xe điện của tỷ phú Elon Musk công bố doanh thu không đạt kỳ vọng. Cổ phiếu Apple cũng giảm 3,7% vì thông tin hãng công nghệ khổng lồ phải cắt giảm sản xuất.

Trong số 11 nhóm cổ phiếu ngành chính của S&P 500, có 6 nhóm chốt phiên trong trạng thái giảm, trong đó giảm mạnh nhất là nhóm năng lượng. Trong năm 2022, năng lượng là nhóm cổ phiếu tăng mạnh nhất trên thị trường chứng khoán Mỹ nhờ giá dầu tăng. Tuy nhiên, việc giá dầu sụt sâu ngay trong phiên đầu năm đã kéo nhóm này đi xuống. Nhóm dịch vụ truyền thông đạt mức tăng khoảng 1,4% nhờ cổ phiếu Meta Platforms và Walt Disney đi lên.

“Chứng khoán Mỹ đã không thể giữ được thành quả tăng vào đầu phiên vì chính sách tiền tệ thắt chặt và nguy cơ suy thoái kinh tế vẫn đang là những vấn đề khiến nhà đầu tư bận tâm nhiều nhất”, nhà phân tích cấp cao Edward Moya của Oanda nhận định. “Lực mua ở vùng giá thấp đã giúp tạo ra một cú bật nảy trong trạng thái thị trường đầu cơ giá xuống (bear market rebound), nhưng cú nảy đó không duy trì được lâu”.

Nhiều nhà đầu tư đã hy vọng thị trường sẽ hồi phục sau khi cả ba chỉ số chứng khoán Mỹ cùng hoàn tất năm 2022 với mức giảm mạnh nhất kể từ năm 2008. Tuy nhiên, khả năng hồi phục là mong manh khi chủ trương tiếp tục nâng lãi suất để chống lạm phát của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục đè nặng lên thị trường, cộng thêm khả năng suy thoái kinh tế Mỹ và toàn cầu ngày càng tăng lên.

Nhà đầu tư sẽ biết thêm về quan điểm của các nhà hoạch định chính sách tiền tệ trong Fed khi biên bản cuộc họp chính sách tiền tệ gần đây nhất của ngân hàng trung ương này được công bố vào ngày thứ Tư. Cùng ngày, thị trường sẽ đón nhận báo cáo về số lượng việc làm cần tuyển dụng và chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất của Viện Quản lý nguồn cung (ISM). Các dữ liệu này đều có ảnh hưởng đến đường đi chính sách của Fed.

Thống kê kinh tế quan trọng nhất trong tuần này là bản báo cáo việc làm tháng 12, dự kiến được Bộ Lao động Mỹ công bố vào ngày thứ Sáu.

“Còn quá sớm để bắt đầu đặt cược vào sự xoay trục của Fed trong năm nay, và điều này sẽ tạo ra một môi trường khó khăn đối với cổ phiếu”, ông Moya nói.

Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại London giảm 3,58 USD/thùng, tương đương giảm 4,2%, chốt ở 82,33 USD/thùng. Giá dầu thô WTI giao sau tại New York giảm 3,11 USD/thùng, tương đương giảm 3,9%, còn 77,15 USD/thùng.

Đây là phiên giảm mạnh nhất của giá dầu Brent trong hơn 3 tháng và của giá dầu WTI trong hơn 1 tháng.

Giá dầu đã đương đầu với sức ép giảm đồng thời từ số liệu cho thấy nhu cầu suy yếu của Trung Quốc, triển vọng kinh tế toàn cầu u ám, và đồng USD tăng giá.

“Có nhiều lý do để lo ngại vào lúc này. Đó là tình hình Covid ở Trung Quốc và nỗi lo suy thoái có thể xảy ra trong tương lai gần. Tất cả đều gây áp lực lên thị trường”, nhà phân tích Robert Yawger của Mizuho nhận định.

Số liệu công bố ngày 3/1 cho thấy hoạt động của các nhà máy ở Trung Quốc sụt giảm trong tháng 12 do làn sóng lây nhiễm Covid tăng cao sau khi nước này mạnh tay nới lỏng các hạn chế phòng dịch. Hôm Chủ nhật, Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva nói rằng các nền kinh tế Mỹ, châu Âu và Trung Quốc đồng loạt giảm tốc trong năm 2023, khiến cho năm nay sẽ trở thành một năm khó khăn hơn so với năm ngoái đối với nền kinh tế toàn cầu.

Trong khi đó, đồng USD có phiên tăng mạnh nhất trong hơn 2 tuần, tạo sức ép giảm lên những tài sản định giá bằng đồng bạc xanh như dầu thô.

Một báo cáo của ngân hàng Commerzbank cho rằng triển vọng kinh tế toàn cầu sẽ giữ vai trò quyết định nhiều hơn đến giá dầu nếu so với những quyết định sản lượng của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và đồng minh, hay còn gọi là nhóm OPEC+.

Commerzbank cũng dự báo rằng những dấu hiệu phục hồi kinh tế sẽ đưa giá dầu Brent quay trở lại ngưỡng 100 USD/thùng, nhưng điều này chỉ có thể xảy ra từ quý 2 của năm nay trở đi. BM

Bài viết khác

Tác giả: otoHaiPhong.net

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *