Chứng khoán Mỹ tăng mạnh

Phiên xanh  này của chứng khoán Mỹ diễn ra sau khi các chỉ số tụt về gần mức đáy của năm nay và S&P 500 đã giảm liên 4 trong 5 tuần trở lại đây…

Ảnh minh hoạ - Ảnh: NYSE/CNBC.
Ảnh: NYSE/CNBC.

Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (17/10), khi báo cáo tài chính của một số doanh nghiệp lớn giúp nhà đầu tư bớt lo lắng và cổ phiếu công nghệ bị bán quá đà trong mấy phiên trước đó bật tăng trở lại. Giá dầu thô giằng co giữa một bên là nỗi lo suy thoái và một bên là những tín hiệu tích cực từ Trung Quốc.

Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 550,99 điểm, tương đương tăng 1,86%, chốt ở 30.185,82 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 2,65%, đạt 3.677,95 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 3,43%, đánh dấu phiên tăng mạnh nhất kể từ tháng 7, chốt ở 10.675,8 điểm.

Phiên “xanh đậm” này của chứng khoán Mỹ diễn ra sau khi các chỉ số tụt về gần mức đáy của năm nay và S&P 500 đã giảm liên 4 trong 5 tuần trở lại đây. Biến động mạnh theo cả hai chiều của giá cổ phiếu ở Phố Wall trong những tuần gần đây khiến nhà đầu tư cảm thấy bất an, dù một số người tin rằng thị trường sắp có một cuộc phục hồi thực sự.

“Mức bình quân 200 tuần là một ngưỡng hỗ trợ quan trọng cho tới khi các công ty thực sự thừa nhận khó khăn hoặc nền kinh tế chính thức rơi vào suy thoái. Cả hai điều này có thể sẽ phải mất vài tháng mới xảy ra, và trong khoảng thời gian đó, thị trường có thể có một cuộc phục hồi kỹ thuật”, chuyên gia Mike Wilson của Morgan Stanley nhận định trong một báo cáo được hãng tin CNBC trích dẫn.

Phiên tăng ấn tượng này của Nasdaq có được là nhờ mức tăng mạnh của một số cổ phiếu công nghệ có tính đầu cơ cao, như Zoom Video tăng 6% và các cổ phiếu công nghệ Trung Quốc cũng tăng vượt trội.

Trong khi đó, mùa báo cáo tài chính quý 3/2022 đã chính thức bắt đầu. Nhà đầu tư đang theo dõi liệu doanh nghiệp Mỹ có giảm mạnh dự báo lợi nhuận trong bối cảnh lạm phát cao dai dẳng và nền kinh tế giảm tốc.

Ngày thứ Hai, nhà băng hàng đầu Mỹ Bank of America công bố kết quả kinh doanh tốt hơn dự báo, đưa giá cổ phiếu chốt phiên với mức tăng hơn 6%. Cổ phiếu Bank of New York Mellon tăng 5%, cũng nhờ kết quả vượt kỳ vọng.

Nhiều công ty công nghệ lớn cũng chuẩn bị công bố báo cáo trong tuần này, như Netflix, Tesla và IBM.

Một nhân tố quan trọng khác đưa chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên đầu tuần là các diễn biến chính trị mới ở châu Âu. Tân Bộ trưởng Bộ Tài chính Anh Jeremy Hunt tuyên bố gần như tất cả các biện pháp giảm thuế trong kế hoạch sẽ bị xoá bỏ. Thị trường tài chính Anh phản ứng tích cực với tuyên bố này, đưa đồng Bảng tăng giá hơn 1% so với USD và giá trái phiếu chính phủ Anh tăng mạnh theo.

Sự đảo ngược này của Chính phủ Anh “đã xua tan một số đám mây đen, nhưng rủi ro chính trị vẫn còn đó”, chuyên gia kinh tế trưởng Peter Cardillo của Spartan Capital Securities nói với hãng tin Reuters. Ông Cardillo nhận định rằng Chính phủ mới thành lập của Thủ tướng Anh Liz Truss “đã gây ra nhiều sự bấp bênh”.

Đồng Nhân dân tệ giảm giá đặt ra áp lực lớn đối với các thị trường chứng khoán ở châu Á trong phiên đầu tuần, khiến chỉ số MSCI châu Á-Thái Bình Dương không bao gồm Nhật Bản giảm 0,19%. Chỉ số Nikkei 225 của chứng khoán Nhật Bản giảm 1,16%.

Tuy nhiên, các thị trường mới nổi toàn cầu tăng 0,32% và chỉ số Stoxx 600 của chứng khoán châu Âu tăng 1,83%. Nhờ đó, chỉ số MSCI All Country World Index của chứng khoán thế giới tăng 2,09%.

Giá dầu thô giằng co giữa giảm và tăng, khi thị trường bị chi phối bởi nguy cơ xảy ra suy thoái kinh tế toàn cầu và việc Trung Quốc duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng để hỗ trợ tăng trưởng.

Lúc đóng cửa, giá dầu thô WTI giao sau tại New York giảm 0,18%, còn 85,46 USD/thùng. Giá dầu Brent giao sau tại London gần như không thay đổi so với mức chốt của tuần trước, giữ ở 91,62 USD/thùng.

Tuần trước, giá dầu Brent giảm 6,4% và giá dầu WTI giảm 7,6%.

BM

Bài viết khác

Tác giả: otoHaiPhong.net

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *